BỘ SƯU TẬP KHẢO CỔ CÁT TIÊN

Thánh địa Cát Tiên được phát hiện từ năm 1983. Đây là một quần thể di tích rộng lớn nằm rải rác dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai với chiều dài hơn 15km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực xã Quảng Ngãi. Theo nhận định của các nhà khoa học thì đây là một khu Thánh địa với nhiều đền tháp, mộ tháp chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo tồn tại cách ngày nay khoảng hơn nghìn năm. di tích Cát Tiên hiện đang được giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.
Qua 8 lần khai quật khảo cổ từ năm 1994 đến năm 2006, các nhà khoa học đã làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc khác nhau, thu thập được trên một ngàn hiện vật.
Tiêu biểu nhất cho cả di chỉ Cát Tiên đó là sưu tập hiện vật bằng chất liệu vàng, bạc, thạch anh. Toàn bộ những di vật này hầu hết được khai quật từ lòng các đền tháp ở Cát Tiên. Đề tài trang trí bao gồm: các vị thần (Brahma, Uma, Siva…), các tu sĩ, các vật, con vật linh (lưỡi tầm sét, ốc, rùa, bò Nadin, voi…), Hoa sen, chữ Phạn, Yoni…. Đặc biệt nhất trong sưu tập này là những Linga, LingaYoni bằng vàng, bạc, đồng, thạch anh vô cùng phong phú, sinh động. Chính sự phong phú của loại hình Linga, Yoni ở đây đã phần nào thể hiện sự giao lưu văn hóa của vùng đất này với văn hóa Chămpa. Chúng vẫn mang những nét riêng bản địa được thể hiện rõ qua những nét khạm khắc, chất liệu, loại hình Linga, Yoni … mà không nơi nào có được. Với vị trí khai quật, loại hình, đề tài trang trí của các di vật đã cho chúng ta thấy rằng, đây đều là các đồ vật đóng vai trò rất quan trọng trong nghi lễ tôn giáo, là linh hồn của các đền tháp ở đây.
Sưu tập tiếp theo là đồ đồng bao gồm: các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt, mảnh tượng, trang sức, nhạc cụ…. Hiện vật tiêu biểu trong sưu tập này gồm: thứ nhất là chiếc Linga bằng đồng được tạo tác rất thẩm mỹ, phỏng theo phần trụ tròn của những Linga đá ba tầng và cũng là di vật hiếm thấy trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Tiếp đến là chiếc đĩa đồng: ở giữa trang trí nổi hoa sen, xung quanh là các vũ công, ngỗng thần Hamsa… đang nhảy múa.
Sưu tập vật liệu kiến trúc được coi là nền tảng cơ bản của Cát Tiên, bởi khi nói đến di chỉ Cát Tiên là chúng ta nói đến một quần thể phế tích kiến trúc của một Thánh địa Bàlamôn giáo của một vương quốc cổ trong lịch sử, tồn tại vào khoảng thế kỷ 4 – 9 sau Công nguyên. Toàn bộ gạch xây tháp được chế tạo theo nhiều kích cỡ khác nhau nhằm sử dụng ở nhiều vị trí, chức năng khác nhau và đề tài trang trí cũng rất phong phú như: hoa văn hình học, hoa sen, mô hình núi Mêru, lá lật. Ấn tượng nhất về thể khối là tấm mi cửa tháp (trán cửa) bằng đá nặng khoảng hơn 1 tấn được trang trí hoa lá rất mềm mại và khác lạ so với các mi cửa của các tháp Chàm mà chúng ta thường gặp. Vì vậy, đây cũng được coi là hiện vật tiêu biểu, đặc sắc của Cát Tiên.

Đá Thạch anh màu xanh luc, được khai quât tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên Tiếp tục đọc