“Chìa khóa” mở cửa du lịch Nam Lâm Đồng

Trong chuyến khảo sát du lịch tại Khu du lịch Đam Bri (thành phố Bảo Lộc) vào cuối tháng 6 vừa qua, nhiều đại diện của các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đến từ các tỉnh Cần Thơ, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Trà Vinh rất thích thú vẻ đẹp thiên nhiên và các dịch vụ du lịch nơi đây. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhiều thành viên trong đoàn mới biết đến khu du lịch này. Nguyên nhân do công tác quảng bá và liên kết du lịch còn quá hạn chế. Đây cũng là thực trạng chung của du lịch các huyện phía Nam Lâm Đồng.
Cát Tiên là huyện có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Thế nhưng, hiện nay hoạt động du lịch trên địa bàn Cát Tiên vẫn chưa phát triển được là bao. Ông Huỳnh Văn Đẩu – Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, cho biết: “Với nhiều lợi thế về du lịch, như Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên, Khu di tích lịch sử Khu VI, Hang Thoát Y và hơn 60km đường sông dọc Sông Đồng Nai, huyện Cát Tiên xác định phát triển du lịch – dịch vụ là một trong những hướng đi chính. Để thực hiện, huyện đã xác định các khâu “đột phá”, là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để phục vụ du lịch; trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu như Lúa – Gạo Cát Tiên, Cá Lăng Cát Tiên, cây Diệp hạ châu Cát Tiên… Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Đặc biệt, khâu quảng bá cho du lịch Cát Tiên sẽ được huyện đặt lên hàng đầu. Hiện tại, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho ngưng hoạt động khai thác cát trên Sông Đồng Nai để phục vụ du lịch”.Không riêng gì Cát Tiên, các huyện khác ở phía Nam Lâm Đồng có rất nhiều lợi thế về du lịch. Bảo Lộc có Khu du lịch Đam Bri, Đạ Huoai có Khu du lịch Rừng Madagui… Thế nhưng, trên “bản đồ du lịch” Lâm Đồng, du lịch khu vực phía Nam hoàn toàn “mờ nhạt” trong mắt du khách gần xa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là khâu quảng bá du lịch và liên kết du lịch tại đây còn yếu. Sự liên kết không chỉ dừng lại ở cục bộ địa phương mà mở rộng liên kết giữa các vùng, miền; giữa các tỉnh, các công ty du lịch lữ hành. Ông Hoàng Đình Khải – Chi hội trưởng Chi hội du lịch Nam Lâm Đồng, cho biết: “Sự liên kết này chính là sự thống nhất hành trình “tour” của du khách và thống nhất về giá cả dịch vụ. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu để doanh nghiệp có cơ hội liên kết, giao thương, nhưng vẫn chưa đạt kết quả gì đáng kể. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp sẽ cùng nhau hợp lực, đoàn kết để phát triển, tạo thương hiệu du lịch cho Lâm Đồng”.
Khu vui chơi thiếu nhi dưới tán rừng tại Khu du lịch Đam Bri.
Cũng theo ông Khải, phát triển du lịch ở Nam Lâm Đồng còn rất nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo; các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch còn nghèo nàn; chưa có qui hoạch và chiến lược phát triển cụ thể cho từng loại hình đầu tư. Ông Chu Kim Thạc – Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đam Bri, cho biết: Từ trước đến nay, du khách đến Lâm Đồng chủ yếu chỉ biết đến Đà Lạt. Chính vì thế, hiện tại chúng tôi đang bắt đầu triển khai chiến lược tiếp thị, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến các tỉnh miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây… Bên cạnh đó, chúng tôi đã mạnh dạn, từng bước đầu tư để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, như xây dựng khu vui chơi thiếu nhi, máng trượt, khu cắm trại… Nhờ đó, từ đầu năm 2011 đến nay, có trên 160 ngàn lượt khách đến với Khu du lịch Đam Bri.Liên kết, quảng bá và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch có thể xem là “chìa khóa” để mở cửa du lịch Nam Lâm Đồng. Theo ông Phùng Quý Ngọc – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Lâm Đồng: Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại Lâm Đồng cần tích cực và hỗ trợ việc quảng bá các điểm du lịch ở Nam Lâm Đồng. Tự thân các công ty du lịch cũng cần tăng cường công tác quảng bá, song song với việc đầu tư phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch đạt chất lượng, không trùng lắp.

HỮU SANG(Theo khamphadalat)

Nhận xét của bạn